Phụ huynh hoa mắt trước học phí trường quốc tế

Phải đóng học phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/học kỳ, phụ huynh nào cũng tự hào nói con mình học quốc tế. Thế nhưng, bằng “mắt thường”, liệu phụ huynh có chọn đúng trường?

Tại TPHCM, hàng loạt trường ngoài công lập có vốn đầu tư nước ngoài, trường dạy chương trình nước ngoài, hay thậm chí chỉ là trường dạy hoàn toàn chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam tăng cường thêm tiếng Anh… được nhận diện thành trường quốc tế. Tuy nhiên, “quốc tế” trong khái niệm này thực chất giống với… dịch vụ quốc tế hơn. Bởi, thực tế làm gì có loại hình trường quốc tế như tên gọi được các trường gắn vào tên riêng như vậy. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, căn cứ Nghị định 86/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ không có loại hình trường quốc tế.

Lâu nay, phụ huynh vẫn cứ ngộ nhận theo danh xưng quốc tế mà nhà trường tự phong. Mỗi năm đóng học phí mấy trăm triệu đồng cho con mà không hề hay biết trường con mình thuộc loại nào. “Đến khi dịch COVID-19 xảy ra, phụ huynh và nhà trường có tranh chấp học phí, giở luật ra mới vỡ lẽ chẳng có trường nào là trường quốc tế. Chỉ là quảng cáo. Trong khi, học phí trường con tôi hơn 200 triệu đồng/năm”, phụ huynh trường “quốc tế” tại Q.7 cho biết.

Tính đến thời điểm này, TPHCM chỉ có 11 cơ sở mầm non, 16 cơ sở giáo dục phổ thông nhiều cấp học “cộp mác” trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, có khoảng 12.000 học sinh đang theo học tại các trường này, chủ yếu là con em người nước ngoài và một tỷ lệ nhỏ con em người Việt Nam theo học. Đó là chưa kể, khi thành lập có trường có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư đàng hoàng, giảng dạy chương trình nước ngoài, nhưng sau một thời gian hoạt động lại chuyển nhượng toàn bộ cho người Việt Nam. Có trường thì hoàn toàn “made in Vietnam” nhưng sau đó thì bán hết cho nước ngoài đầu tư.

Trong báo cáo mới đây gửi UBND TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tại TPHCM chỉ có sáu cơ sở giáo dục được Bộ GD-ĐT phê duyệt thực hiện chương trình tích hợp (liên kết giáo dục). Đó là trường tiểu học – trung học cơ sở – trung học phổ thông (TH-THCS-THPT) Vinschool, Quốc tế Bắc Mỹ, Tây Úc, Việt Úc, Albert Einstein và Trường mầm non Vinschool tại Q.Bình Thạnh. Trong đó, có ba đơn vị đã thực hiện từ năm học này, còn ba đơn vị từ năm học sau mới triển khai.

Điều này cho thấy, đa phần học sinh Việt Nam đang theo học trường quốc tế hiện nay không chắc là “quốc tế”. Thực tế, cũng khó trách phụ huynh không phân biệt được đâu là trường “quốc tế” chính hiệu, bởi chính nhà quản lý cũng gặp khó khăn. Trước khi Nghị định 86 ra đời, suốt một giai đoạn dài trước đó, trường được định danh là quốc tế mọc lên nhiều vô kể và “lịch sử” để lại cho đến nay.

TPHCM có bốn cơ sở giáo dục thuần Việt Nam thực hiện giảng dạy chương trình nước ngoài được Bộ GD-ĐT chấp thuận về mặt nguyên tắc trước khi Nghị định 86 ra đời. Đó là: Trường THCS-THPT quốc tế APU dạy chương trình phổ thông Hoa Kỳ (toán, khoa học, tiếng Anh, vật lý), học sinh Việt Nam sẽ học thêm tiếng Việt, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam; Trường TH-THCS-THPT quốc tế Sài Gòn Pearl dạy chương trình Bộ Giáo dục Bang New York (học sinh Việt Nam học thêm tiếng Việt, đạo đức, lịch sử…); Trường TH-THCS-THPT quốc tế Canada dạy chương trình Bang Ontario, Canada và chương trình tú tài quốc tế; Trường TH-THCS-THPT quốc tế Mỹ dạy chương trình tú tài quốc tế IBO.

Điều đáng nói là Bộ GD-ĐT không quy định thời gian thí điểm nên đến nay các trường vẫn tiếp tục tuyển sinh và dạy chương trình thí điểm. Theo Sở GD-ĐT, điều này gây khó khăn cho quản lý. Và tất nhiên, người học thì càng không thể thông thạo được bằng nhà quản lý. Mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất UBND chỉ đạo cụ thể đối với thực hiện của các chương trình thí điểm do Bộ GD-ĐT cấp phép.

Khi phụ huynh và nhà trường có tranh chấp học phí, giở luật ra mới vỡ lẽ chẳng có trường nào là trường quốc tế

HỌC PHÍ “KHỦNG” CỦA CÁC TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI TPHCM

Mức học phí của các trường “quốc tế” (có yếu tố nước ngoài) chắc hẳn khiến nhiều người phải “choáng”. Có trường, học sinh phải đóng hơn nửa tỷ đồng cho một năm học. Đó là chưa kể phí tuyển sinh, phí giữ chỗ ở những trường này thường có giá từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng.

Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) dạy từ bậc mầm non đến lớp 12. Trong đó, học sinh lớp 6-10 học bậc trung học chương trình tú tài quốc tế. Học phí cho lớp 6-8 là 649,9 triệu đồng. Học sinh lớp 9, 10 đóng 679,6 triệu đồng. Trong khi lớp 11, 12 đóng 775,3 triệu đồng.

Trường Quốc tế Anh (BIS) thu học phí 637,9 triệu đồng cho học sinh lớp 7-9. Năm 2020-2021, học phí lớp 10, 11 là 672,9 triệu đồng. Lớp 12, 13 có học phí là 730,8 triệu đồng.

Trường Quốc tế Mỹ (TAS) giữ mức học phí như năm 2019-2020. Theo đó, học sinh lớp 9, 10 đóng 507,5 triệu đồng, lớp 11, 12 đóng 549,5 triệu đồng; học phí chương trình THCS (lớp 6-8) là 526.125.000 đồng.

Trường Song ngữ Quốc tế Horizon (HIBS) tại TPHCM thu học phí 205.320.000 đồng cho bậc THCS chương trình song ngữ; học phí gần 236,2 triệu đồng đối với học sinh THPT.

Trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) dạy từ bậc mầm non đến lớp 13. Bậc THCS từ lớp 7 đến lớp 11, học phí bậc học này rơi vào mức 558-610 triệu đồng; 665 triệu đồng học phí đối với bậc THPT (gồm lớp 12 và 13).

Trường Quốc tế Đức (IGS) thu học phí 404,5 triệu đồng bậc THCS (lớp 7-9). Ngoài chương trình bằng tiếng Đức, trường có các môn học riêng cho học sinh người Việt và người nước nói tiếng Anh. Tiếng Pháp là ngoại ngữ được dạy tại IGS. Năm 2020-2021, học phí bậc THPT tại đây là 442,5 triệu đồng. Phí tuyển sinh là 132 triệu đồng, bao gồm phí thi tuyển và học thử. Số tiền này được trả lại nếu thí sinh không trúng tuyển.

Trường Quốc tế châu Âu (EIS) dạy từ bậc mầm non đến lớp 12. Học phí lớp 6-8 là 482,9 triệu đồng, lớp 9 là 536,3 triệu đồng và lớp 10 là 548,4 triệu đồng; học phí 599.128.000 đồng đối với học sinh lớp 11 và 599.128.000 đồng đối với học sinh lớp 12.

Trường Quốc tế Singapore (SIS) tại TPHCM cung cấp chương trình song ngữ và chương trình quốc tế. Trong đó, ở hệ song ngữ, học phí lớp 6-7 là 250.938.000 đồng, lớp 8-9 là 250.938.000 đồng. Học phí chương trình quốc tế cao hơn 420.615.000 đồng cho lớp 7-8 và 468.490.000 đồng với lớp 9-10 (IGCSE). Trường này không gọi học sinh sau lớp 10 là THPT. Thay vào đó, trường dạy chương trình quốc tế theo các lớp A/AS cấp độ 1 (học phí 477.315.000 đồng), A/AS cấp độ 2 và GAC (cùng có mức học phí 499.305.000 đồng).

Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) năm 2020-2021, học phí lớp 11, 12 là 685 triệu đồng.

Theo Thanh Thanh báo Phụ Nữ

Tham gia bình luận:

0943.085.726