Khi nói về tầm ảnh hưởng của môi trường sống lên tính cách nhận thức của đứa trẻ – Chợt thấy rằng hầu như bất cứ trẻ nào sinh ra đều có chung các yếu tố phát triển như nhau , có thể nhanh hay chậm tùy vào sức khỏe và năng lực trí tuệ của trẻ – Còn trong quá trình nuôi dưỡng, khi đứa trẻ tiếp nhận sự chăm sóc từ việc bú mẹ, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, trẻ sẽ bắt đầu có những thái độ và nhận thức khác nhau để rồi có những biểu hiện cá biệt trong tiến trình giao tiếp với xã hội trong từng môi trường khác nhau như Tây và Ta.
Có lẽ ai cũng thấy, trẻ em VN nói chung và sau đó là thanh thiếu niên VN, đa phần đều có tính thụ động, có phần ích kỷ, ỷ lại và không kém phần thiếu tự tin, thiếu tính khám phá và sáng tạo. Hơn thế nữa, cũng là trẻ VN, nhưng một trẻ lớn lên ở miền nào, Bắc, Nam, Trung… sẽ có những điểm tốt và xấu đặc thù của miền đó. Nhưng ngoài những yếu tố đó, phải chăng còn có những yếu tố khác mang tính cách tâm lý sâu xa hơn, phổ quát hơn, đó chính là sự “phụ thuộc” lẫn nhau giữa mẹ – con ? Rõ ràng là với trẻ nào có được sự “ tôn trọng” và chấp nhận những cá biệt của bản tính, thì đều có khả năng tự chủ để tiến đến sự tự tin và tự lập sau này khi trưởng thành.
Còn ngược lại, sự thụ động, thiếu tự tin, thậm chí là ỷ lại hay ích kỷ của đứa trẻ Việt Nam, là xuất phát từ chính cách quan tâm, gắn bó và sự lo lắng cho đứa con của ông bà, bố mẹ ( cũng là 1 đặc thù của gia đình Việt mà ông bà hay họ hàng có một ảnh hưởng quan trọng ), luôn sợ nó đói , luôn sợ nó đau, và luôn sợ nó thiếu thốn ( từ quần áo cho đến tình cảm ) để rồi do quá gần gũi, ôm ấp, bao bọc con trong cái bầu khí của những nỗi lo đó – bà mẹ đã vô tình truyền cái “tâm lý lo lắng” đó cho đứa con, khiến chính nó cũng luôn có sự lo lắng, để không dám tự ý làm bất cứ điều gì, mà phải luôn chờ đợi người lớn làm giúp, và từ đó hình thành tính nhút nhát và ỷ lại, hay dần dần trở thành nhõng nhẽo, đòi hỏi, ích kỷ thường thấy ở đa phần trẻ VN, để khi lớn lên thì trở thành những người thiếu óc sáng kiến, thiếu tự chủ, không dám quyết định … dù đã học đủ loại khóa học kỹ năng sống ?
Có cái gì đó mâu thuẫn trong cách dạy con chăng? Ai mà chẳng muốn con giỏi giang, tự chủ và năng động – thế nhưng đã mấy ai dám để cho một đứa trẻ tự do chạy nhảy lon ton, chẳng may vấp ngã mà vẫn ung dung đứng nhìn, khuyến khích con tự đứng lên, và để cho con có được cái kinh nghiệm vấp ngã mà không đổ thừa cho sàn nhà, cho cái ổ gà đã làm cho đứa con cưng của mình bị đau ? Đã có ai để cho con nghịch một con dao không quá sắc, nhưng vẫn có thể bị đứt tay, chảy máu để biết cẩn thận hơn cho những lần sau ? Mà lại luôn cấm con không được cầm dao, để đứa con khi không có người lớn sẽ tò mò nghịch dao gây ra những hậu quả lớn hơn nhiều.
Ngoài ra – chính cái sự “ lo cho con” luôn nghĩ trong đầu là đứa con của mình vẫn là 1 đứa trẻ dù có khi đã trên 18 tuổi, nên luôn quyết định thay cho chúng, và luôn nuông chiều những đòi hỏi “muốn gì được nấy” của trẻ vì cho đó là “chuyện nhỏ” của một “đứa nhỏ” ! Thế rồi, khi lớn lên bước vào nhà trường, là cái tinh thần muốn gì được nấy bị thách thức ngay, và trẻ trở nên nhút nhát hơn, bị các ông vua con khác bắt nạt, hoặc trở thành các kẻ chuyên đi gây hấn, vì muốn “thống trị” như mình đã và đang “thống trị” bố mẹ tại gia đình.
Phải chăng, vì nhận ra những điểm yếu đó của đứa con, mà đa phần bố mẹ đều nghĩ rằng do nền “giáo dục lạc hậu và áp đặt” của các nhà trường “ truyền thống” gây ra cho con mình – Để rồi háo hức đi đón tìm các phương pháp giáo dục mới – Từ Montessori đến Steiner, từ Glenn Doman đế Reggio -Emilia hay STEAM, đã được truyền thông thổi phồng như các phương pháp giáo dục “ thần kỳ” có thể biến một đứa trẻ thụ động, nhút nhát hay hung hăng, ích kỷ , ỷ lại … trở thành thông minh, giỏi giang, tự tin, mạnh dạn ..nhờ những kỹ thuật và quan điểm giáo dục tiến bộ như Tây ( vì của Tây mà ).
Thực ra, với những trường giáo dục theo đúng chuẩn của từng phương pháp , thì điều đó không khó để giúp trẻ có thể trở nên mạnh dạn, tự tin, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, biết tò mò, biết sáng tạo và phát huy năng lực vì được sự khích lệ và hướng dẫn đúng cách của các thầy cô .. Thế nhưng, chính cái tinh thần của người mẹ VN, cái bầu khí gia đình của người Việt lại vô tình làm cho những tác động tốt đẹp của nhà trường phải dừng lại trước cửa gia đình ! Bởi vì hầu như phương pháp nào cũng thế, đều có một nguyên lý tương đồng đó là lấy trẻ làm trung tâm, trẻ có quyền khám phá, có quyền quyết định, suy nghĩ, thực hiện theo cách nghĩ của mình và những nguyên lý đó hầu như đi ngược lại truyền thống gia đình VN là trẻ con phải vâng lời người lớn vô điều kiện, trẻ con phải được chăm sóc vô điều kiện và “ toàn diện” phải học ra học, chơi ra chơi, phải rèn “nếp nhà” biết chào hỏi thưa gửi, còn người lớn thì lại có quyền không cần chào hỏi và tôn trọng đứa trẻ! Nhưng đồng thời trẻ cũng được quyền nhõng nhẽo, đòi hỏi vô điều kiện và ăn vạ cũng vô điều kiện !
Ngay cả việc cho con đi học các phương pháp giáo dục “ tiên tiến” đó , có bố mẹ chỉ bị thu hút bởi cách trang trí hết sức khoa học, hiện đại hay sạch sẽ, tinh tươm , với rất nhiều công cụ, giáo cụ và đồ chơi bắt mắt, hoặc các cô giáo hết sức ân cần với con và duyên dáng với ..bố ( nên bố sẽ hăng hái đưa đón con ) chứ không cần biết nguyên lý của Montessori của Steinner là gì, dù cũng có khá nhiều tài liệu và các bài phân tích giới thiệu khá đầy đủ trên mạng. Nhưng họ chỉ đến trường xem và cân nhắc về tiện nghi và ..học phí hơn là xem xét năng lực của giáo viên và nhất là không hề nghĩ rằng sự khác biệt lớn lao giữa các nguyên lý ở các trường nói trên với những giá trị mà gia đình đang “ bao phủ” lên đứa trẻ một cách “vô thức” tại gia đình.
Có thể nói , sự hình thành nhân cách và tính cách của đứa trẻ không chỉ xuất phát từ ..dấu vân tay mà là từ cách đối đãi, chăm sóc, giáo dục con tại gia đình – Những khả năng tự tin, sáng tạo, độc lập và biết tôn trọng người khác không đến từ các phương pháp giáo dục tiên tiến ngoài nhà trường, dù đó là tác nhân chủ yếu nhưng nếu không được duy trì và phát triển tại gia đình thì cũng chỉ là “ cưỡi ngựa xem hoa” hay “ nước đổ lá khoai” – Trẻ học kỹ năng sống không từ các khóa “ học kỳ quân đội” mà từ những hoạt động tại gia đình qua những việc hết sức đơn giản : rửa chén, quét nhà, giặt đồ , nấu ăn … Trẻ được hạnh phúc không phải vì đươc bố mẹ cho đi nghỉ hè ở Singapore mà được trở thành người hữu ích ngay chính trong gia đình của mình.
Hiểu về tinh thần Việt, để giúp con trở thành người có trí tuệ khoa học kỹ thuật , tự lập và năng động như Tây nhưng tư duy vẫn “ thuần Việt” với những giá trị tôn sư trọng đạo – uống nước nhớ nguồn và sự gắn bó “ một giọt máu đào hơn ao nước lã” cho dù con có học Mon hay gì gì đi nữa thì bố mẹ luôn phải là mẫu mực cho con noi theo – Nói như thế không có nghĩa là bố mẹ sau những giờ đóng kịch ngoài xã hội, sắm vai thầy giáo, doanh nhân nay về gia đình cũng tiếp tục “đóng vai” là 1 ông bố, bà mẹ mẫu mực ! Mà hãy là đúng con người thực của mình ! Bởi vì chỉ có niềm tin của con vào những cái “ thật sự” của bố mẹ mới là cái giá trị đích thực mà không một phương pháp giáo dục nào có thể đem lại.
Lê Khanh – Giám đốc tại Phòng Tư vấn Tâm lý Gia Đình và Trẻ em